Khát khao nâng tầm nông sản Việt qua trái cây sấy dẻo
Khát khao nâng tầm nông sản Việt qua trái cây sấy dẻo
Xuất phát từ tình yêu với nông sản Việt, CEO Nguyễn Văn Bi cùng đội ngũ Nonglamfood tìm con đường nâng cao giá trị nông sản qua các sản phẩm trái cây sấy dẻo.
Đầu tư vào hoạt động R&D, mỗi năm Nonglamfood cho ra nhiều sản phẩm chế biến sâu từ trái cây, nỗ lực đưa thương hiệu nông sản Việt lên các kệ siêu thị nước ngoài.
Gia tăng chế biến, nâng tầm nông sản
Tận dụng vỏ bưởi bỏ đi với số lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, ông Bi cùng với đội ngũ Nonglamfood nghiên cứu tạo ra sản phẩm sấy từ vỏ bưởi, từ đó nhà máy cũng được mở. Cùng với đó, nhìn thấy lượng lớn trái cây Việt Nam xuất thô, có hiện tượng chặt bỏ, đội ngũ sáng lập lựa chọn con đường chế biến sâu. Các loại trái cây sấy dẻo từ xoài, thanh long, chanh dây,… mang thương hiệu Nonglamfood ra đời.
Ông Nguyễn Văn Bi - CEO Nonglamfood.
Theo ông Bi, thời gian đầu làm ra sản phẩm vỏ bưởi vô cùng thuận lợi và tạo cơn sốt trên thị trường, hầu như tỉnh nào cũng có đại lý, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bắt đầu, lúc này Nonglamfood chỉ có thể bán qua kênh du lịch và xuất khẩu là chủ yếu nên lượng khách hàng dần tụt giảm trầm trọng.
"Dù gặp khó nhưng khi đó Nonglamfood lại có thêm nhiều ý tưởng mới, đưa ra các sản phẩm mới như thanh gạo lức, thanh trái cây,… Những sản phẩm này đã giúp công ty vượt qua được những khó khăn ở giai đoạn đó. Khi người dân ở nhà, nguồn lương thực khan hiếm thì những thanh gạo lức, thanh trái cây của công ty vô tình tạo nên cơn sốt", ông Bi chia sẻ.
May mắn nhận được sự hỗ trợ lớn từ đội ngũ nhà khoa học Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, mỗi năm Nonglamfood có đến 5 - 10 sản phẩm từ các dòng trái cây. Để sản phẩm từ ý tưởng ra thị trường, ngoài hỗ trợ từ trường đại học, công ty còn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các chuyên gia nước ngoài,.... Dù vậy, theo ông Bi, thực tế công ty mới chỉ có thể đưa 1 - 2 sản phẩm/năm ra thị trường do hạn chế về máy móc. Đối với những sản phẩm chưa có khả năng mở nhà máy, doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho các đơn vị khác nhằm tăng giá trị sản phẩm
Hiện nay, công ty có 3 nhóm sản phẩm chính. Trong đó, trái cây sấy dẻo đa dạng được làm từ vỏ bưởi, chanh dây, cam, đu đủ, thanh long, xoài mix muối ớt, vỏ bưởi mật ong; thanh gạo lứt, thanh trái cây,...; mảng hạt điều pha trộn nhiều vị như: ớt, phô mai,… Nhà máy cũng dần được mở rộng, từ 200 m2 lên tới 3.500 m2 để làm trái cây sấy và làm thanh dinh dưỡng.
Trải qua quá trình nâng cấp nhiều lần, hệ thống sấy của Nonglamfood từ sấy nhiệt cơ bản được nâng lên thêm nhiều dòng máy như sấy hồng ngoại, giúp rút ngắn thời gian sấy, lưu trữ được giá trị tự nhiên của sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà máy còn sở hữu hệ thống máy sấy lạnh riêng cho dòng trái cây sấy.
"Nonglamfood luôn được các thầy cô giáo, nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu tìm ra các phương pháp tối ưu hơn cho sấy, phối trộn phù hợp để giảm bớt độ ngọt, bảo quản được lâu hơn cho từng loại sản phẩm…", ông Bi chia sẻ.
Tập trung vào kênh xuất khẩu
Sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty dần chuyển hướng tập trung vào các kênh xuất khẩu để tìm kiếm cơ hội, Nonglamfood cũng không ngoại lệ. Ông Bi cho biết, công ty bắt đầu tham gia nhiều hội chợ quốc tế như Foodexpo, Thaifex,… chủ động gặp gỡ khách hàng, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, Nonglamfood có được những đơn hàng xuất đi nước ngoài như Hàn Quốc và các nước châu Âu. Không chỉ vậy, theo ông Bi, việc xuất khẩu sản phẩm cũng giúp công ty liên tục nâng cấp tiêu chuẩn để "đặt chân" vào thị trường quốc tế.
Đơn cử, một trong những khó khăn để đưa được sản phẩm vỏ bưởi vào thị trường Hà Quốc là công ty phải kiểm tra hải quan tận 5 lần, vì nhiều người nghĩ vỏ bưởi là phụ phẩm và không dùng được. Vượt qua tất cả, năm 2019, sản phẩm chính thức lên kệ các siêu thị Hàn Quốc.
"Về bản chất thị trường Hàn Quốc, do khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam nhiều và đã thử dùng sản phẩm, thấy ngon nên họ mua về dùng, biếu tặng. Từ đó, nhu cầu lên cao, họ bắt đầu có nhu cầu kinh doanh và nhập về bán. Các đối tác tìm đến và thăm dò nhiều tháng sau đó đặt hàng và đề xuất hỗ trợ máy móc", ông Bi chia sẻ.
Cho đến nay, sản lượng xuất khẩu mỗi năm khoảng 150 - 200 tấn. Tuy chưa nhiều nhưng đội ngũ Nonglamfood tự hào đưa được thương hiệu trái cây Việt lên các kệ siêu thị châu Âu. Tại thị trường nước ngoài, với các thiết kế bao bì đậm chất trái cây nhiệt đới, người tiêu dùng hiện nay chuộng hơn. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang trái cây, ăn ít đường nhưng đủ năng lượng thì trái cây là ít đường là sự lựa chọn.
Ông Bi cũng kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp tập trung vào chế biến sau thu hoạch, không đơn thuần là bán thô, bán tươi. Thời gian tới, công ty có định hướng làm các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu mở rộng nhà máy để phát triển sản phẩm chế biến sâu từ trái cây.
Xây dựng thương hiệu quốc gia
Theo ông Bi, để có 1 tấn trái cây sấy phải cần tới 10 tấn trái cây tươi. Đa phần, trái cây được thu mua khắp các tỉnh miền Tây. Trong tương lai, ông Bi kỳ vọng sẽ nâng cao được chất lượng phần trái cây tươi thông qua mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, từ đó kiểm soát được phần chế biến.
"Đây cũng là mấu chốt để xây dựng thương hiệu. Khi có được mã vùng trồng thì giá trị sản phẩm lên cao, từ giá trị, chất lượng cũng sẽ khác đi, được nâng cao hơn. Khách hàng sẽ quan tâm nhiều hơn", ông Bi chia sẻ.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam, ông Bi cho biết hiện nay việc xuất khẩu gạo, điều, cà phê, trái cây chủ yếu là xuất thô. Những năm gần đây, công tác chế biến sản phẩm sau thu hoạch được đẩy mạnh hơn tuy nhiên vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu quốc gia.
Trong thời gian sắp tới, ông Bi kỳ vọng nông sản Việt sẽ có cuộc cách mạng về chế biến. "Hiện nay, Nonglamfood mặc dù quy mô nhỏ nhưng cũng tham gia vào chế biến sâu, ví dụ như sấy dẻo trái cây. Hy vọng, điều này sẽ làm nên thương hiệu, giá trị cho bức tranh xuất khẩu trái cây Việt. Khi có giá trị, thương hiệu thì bà con nông dân mới giàu lên được", ông Bi kỳ vọng.
Những năm gần đây, hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc biến đất mặn thành đất ngọt đòi hỏi chi phí lớn, vì vậy ông Bi hy vọng sẽ có các giống cây trồng phù hợp, chịu được hạn mặn, từ đó cho ra nhiều sản phẩm mới. Ngoài ra, Nonglamfood mong muốn chung tay cùng nông dân, nhà khoa học để xây dựng một thương hiệu nông sản lớn giúp nâng cao giá trị.
Võ Liên
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận